Chương 3.
Điều 20. Chủ thể giám sát
1. Bộ quản lý ngành thực hiện chức năng giám sát thông qua Người đại diện đối với công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ công ty mẹ, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Bộ quản lý ngành quyết định thành lập hoặc được giao quản lý.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng giám sát thông qua Người đại diện đối với các doanh nghiệp chuyển đổi từ doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp:
a) Hàng năm, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo giám sát tài chính của các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để báo cáo Chính phủ về hiệu quả sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích được giao của các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; báo cáo Chính phủ về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ.
b) Sở Tài chính các tỉnh, thành phố là đầu mối giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp báo cáo giám sát đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 21. Nội dung giám sát tài chính
1. Đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ:
a) Giám sát tình hình tài chính, chấp hành pháp luật và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Giám sát thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp; tình hình huy động vốn, vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
c) Giám sát việc quản lý, hiệu quả sử dụng, tình hình bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp.
d) Giám sát việc phân phối lợi nhuận, thu lợi tức, lợi nhuận được chia và phân chia rủi ro từ phần vốn đã góp.
2. Đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ:
a) Giám sát việc quản lý, hiệu quả sử dụng, tình hình bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp.
b) Giám sát việc phân phối lợi nhuận, thu lợi tức, lợi nhuận được chia và phân chia rủi ro từ phần vốn đã góp.
3. Bộ Tài chính quy định cụ thể các mẫu biểu, chỉ tiêu báo cáo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Điều 22. Quy trình giám sát
1. Đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ: Việc giám sát thường xuyên theo các báo cáo định kỳ của Người đại diện. Trường hợp cần thiết, chủ sở hữu phối hợp với cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp tiến hành việc thanh tra theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty về việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp.
Chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm cuối cùng về giám sát doanh nghiệp, người đại diện vốn là cá nhân được chủ sở hữu giao thực hiện giám sát doanh nghiệp và chỉ chịu trách nhiệm đối với những việc được chủ sở hữu giao.
2. Đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ: Việc giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện thường xuyên theo các báo cáo định kỳ của Người đại diện.
Điều 23. Chế độ báo cáo
1. Đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ:
a) Báo cáo giám sát tài chính
Định kỳ hàng quý, năm, Người đại diện lập báo cáo giám sát tài chính theo các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 21 Quy chế này và gửi cho chủ sở hữu và cho cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, chuyển đổi từ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa, chuyển đổi thuộc Bộ; Sở Tài chính đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, chuyển đổi từ doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
Báo cáo giám sát tài chính quý không gửi chậm quá ngày 15 của tháng đầu quý tiếp theo. Báo cáo giám sát tài chính hàng năm không gửi chậm quá ngày 31 tháng 01 năm tiếp theo.
b) Báo cáo kết quả giám sát tài chính
- Căn cứ báo cáo giám sát của Người đại diện, Bộ quản lý ngành thực hiện giám sát tài chính đối với các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi từ công ty mẹ, công ty trách nhiệm hữu hạn do Bộ quyết định thành lập hoặc được giao quản lý, Bộ quản lý ngành tổng hợp kết quả giám sát đối với công ty có phần vốn nhà nước trong Báo cáo kết quả giám sát tài chính của Bộ để gửi cho Bộ Tài chính theo quy định.
- Căn cứ báo cáo giám sát của Người đại diện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp chuyển đổi, cổ phần hóa thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và giao cho Sở Tài chính tổng hợp kết quả giám sát tài chính và gửi về Bộ Tài chính theo quy định.
- Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo kết quả giám sát của các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để báo cáo Chính phủ. Trong báo cáo có nội dung về hiệu quả sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích được giao đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trong phạm vi toàn quốc.
2. Đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ
a) Báo cáo giám sát tài chính:
Định kỳ hàng năm, Người đại diện lập báo cáo giám sát tài chính theo các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 21 và gửi chủ sở hữu. Thời hạn gửi báo cáo không chậm quá ngày 31 tháng 01 năm tiếp theo.
b) Báo cáo Kết quả giám sát tài chính:
Căn cứ báo cáo giám sát của Người đại diện, chủ sở hữu tổng hợp Báo cáo kết quả giám sát tài chính và gửi cho Bộ Tài chính theo quy định để Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc.
Điều 24. Đánh giá kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước
Hàng năm chủ sở hữu phải thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước để xem xét việc tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư hay rút bớt vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này. Đồng thời làm căn cứ đánh giá, khen thưởng đối với người đại diện và chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho người đại diện trong năm tới.
QUY ĐỊNH VỀ CÔNG KHAI THÔNG TIN TÀI CHÍNH
Điều 25. Đối tượng, phạm vi công khai thông tin tài chính
1. Doanh nghiệp:
a) Doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu thực hiện công khai tài chính theo Quy chế này.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xổ số, Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán thực hiện công khai tài chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành và quy định tại Quy chế này.
b) Các doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện việc công khai tài chính theo quy định của pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp.
2. Chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Điều 26. Mục đích và nguyên tắc công khai thông tin tài chính
1. Mục đích
a) Đảm bảo minh bạch, trung thực và khách quan tình hình tài chính của doanh nghiệp nhà nước. Phát hiện kịp thời hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính, chế độ kế toán của doanh nghiệp.
b) Thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước, người lao động trong việc giám sát, kiểm tra và thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước; thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.
c) Là căn cứ để các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu và quyết định việc đầu tư vào doanh nghiệp; các chủ nợ có thông tin để giám sát đánh giá khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp.
2. Nguyên tắc
a) Cơ sở để thực hiện công khai tài chính doanh nghiệp là báo cáo tài chính, báo cáo quản trị và báo cáo giám sát tài chính hàng năm của doanh nghiệp; báo cáo giám sát tài chính hàng năm của chủ sở hữu.
b) Nội dung công khai tài chính của doanh nghiệp phải phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng nhận thông tin là cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu, các nhà đầu tư và người dân.
c) Doanh nghiệp và tổ chức thực hiện công khai tài chính chịu trách nhiệm tính đầy đủ, tính kịp thời, tính chính xác các thông tin tài chính; có nghĩa vụ giải trình các nội dung chất vấn của các đối tượng nhận thông tin theo quy định của pháp luật và quy định tại Quy chế này.
Điều 27. Nội dung công khai thông tin tài chính
1. Doanh nghiệp:
a) Tình hình tài chính, hiệu quả sử dụng và bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
b) Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
c) Việc trích, lập và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp;
d) Các khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước của doanh nghiệp;
đ) Các khoản thu nhập và thu nhập bình quân của người lao động;
e) Tình hình quản trị công ty;
g) Tình hình tiền lương, thù lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hàng tháng năm trước liền kề của từng viên chức quản lý doanh nghiệp.
2. Chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp:
a) Tình hình tài chính và kết quả phân loại doanh nghiệp.
b) Một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp: Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, khả năng thanh toán nợ đến hạn của doanh nghiệp.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp công bố báo cáo tổng hợp về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
4. Bộ Tài chính quy định cụ thể mẫu biểu, các chỉ tiêu tài chính thực hiện công khai tại Điều này.
Điều 28. Tổ chức công khai thông tin
1. Đối với doanh nghiệp
Doanh nghiệp thực hiện việc công khai tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, tình hình quản trị của doanh nghiệp theo định kỳ 6 tháng, hàng năm.
2. Đối với chủ sở hữu và Bộ Tài chính:
a) Hàng năm, Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào kết quả đánh giá và xếp loại doanh nghiệp do mình làm chủ sở hữu tiến hành công bố kết quả đánh giá và xếp loại doanh nghiệp, báo cáo giám sát tài chính doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an.
b) Định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các báo cáo tổng hợp tình hình tài chính doanh nghiệp, báo cáo tổng hợp đánh giá, phân loại doanh nghiệp, tiến hành công bố tình hình quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
3. Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này.
Điều 29. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài chính chủ trì cùng các Bộ, ngành hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này; phối hợp với Bộ Nội vụ kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp để thực hiện được nhiệm vụ giám sát tài chính doanh nghiệp, hỗ trợ chủ sở hữu doanh nghiệp quản lý hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp theo Quy chế này.
2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan trình Chính phủ ban hành quy định, khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức quản lý doanh nghiệp, chủ sở hữu và cơ quan quản lý về tài chính doanh nghiệp trong việc thực hiện Quy chế này.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn giám sát đánh giá tình hình thực hiện chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp.
4. Công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con căn cứ vào Quy chế này để xây dựng và thực hiện quy chế giám sát và đánh giá kết quả hoạt động đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ là chủ sở hữu và công ty có vốn đầu tư của công ty mẹ.
5. Tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội có thể căn cứ vào cơ chế giám sát tài chính doanh nghiệp quy định tại Quy chế này để tổ chức thực hiện giám sát các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mình quản lý.
6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này./.
Nghị định 23/2011/NĐ-CP của Chính phủ (12/5/2011)
Nghị định 22/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu chung (12/5/2011)
QUY ĐỊNH MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU CHUNG (31/3/2010)
Nghị định qui định mức lương tối thiểu đối với người lao động (12/11/2009)
NGHỊ ĐỊNH 33/2009/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ (7/4/2009)
quy định quản lý lao động và tiền lương trong CTy TNHH NN 1 TV (8/2/2009)
Hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (27/12/2008)
Nghị Định về kinh doanh xổ số (12/9/2008)